Phố xe đạp Võ Thị Sáu (TP.HCM) tối cuối tuần nhộn nhịp người mua bán. "Cháu ơi, lấy cho chú chiếc xe đạp điện kiểu này" - người đàn ông hồ hởi. Cô bán hàng khe khẽ "chú thông cảm, hết hàng rồi ạ”. Nhu cầu về loại sản phẩm này thật sự đang... "nóng".
Sử dụng xe đạp điện: chi phí thấp
Theo thạc sĩ Nguyễn Minh Quốc Bảo - Trung tâm kỹ thuật tổng hợp Lê Thị Hồng Gấm, sử dụng xe đạp điện có nhiều cái lợi: không tốn tiền xăng, không có tiếng ồn của động cơ, không xả khói gây ô nhiễm và chi phí cho "nhiên liệu" - lượng điện tiêu thụ - có thể nói là rất thấp. Ngoài ra, tâm lý người dùng loại xe này thấy dễ chịu hơn khi không phải bận bịu chuyện bằng lái, không tốn chi phí đăng ký cũng chẳng cần giữ mũ bảo hiểm... Hơn nữa, chi phí mua một xe đạp điện không quá đắt so với túi tiền của đông đảo người dân, phổ biến ở mức 5-7 triệu đồng/xe.
Theo ông Bảo, phải tính thời gian xe đạp điện chạy liên tục hai năm mới có thể đánh giá được hiệu quả kinh tế (vì trung bình ăcquy trên xe đạp điện sử dụng được trong hai năm). Đồng thời phải tính trong cùng điều kiện xe chở 75kg, chạy với vận tốc trung bình 20km/giờ.
Theo đó, một xe đạp điện dùng ba bình ăcquy (loại 12V/12Ah), chạy liên tục được khoảng 30km sau một lần nạp đầy điện. Ước tính trong hai năm phải nạp điện cho bình khoảng 600 lần. Do vậy, quãng đường mà xe đạp điện đi được trong hai năm là 18.000km (30km x 600 lần).
Trong khi đó, thông thường công suất tiêu thụ điện của bộ nạp khoảng 100W, nạp liên tục năm giờ thì đầy điện. Lượng điện tiêu thụ mỗi lần nạp cho ba bình ăcquy là 0,5kWh (100W x 5 giờ = 500W = 0,5kWh). Với đơn giá 1kWh điện sinh hoạt trong 100kWh đầu tiên là 650 đồng (gồm 10% thuế giá trị gia tăng), nên số tiền điện để nạp điện cho ăcquy trong hai năm khoảng 181.500 đồng (0,5kWh x 650đồng x 600 lần nạp điện). Tính ra chi phí tiền điện cần cho xe đạp điện chạy được 1km khoảng 10 đồng (181.500 đồng: 18.000km).
Còn tiêu hao xăng cho một xe gắn máy với cùng điều kiện nói trên: cứ tính giá xăng A92 là 19.000 đồng/lít (tính tròn) với điều kiện đường sá trong TP, trung bình 1 lít xăng chạy được 40km. Vậy tiền xăng cho 1km là 475 đồng. Để chạy quãng đường 18.000km (so sánh cùng quãng đường với xe đạp điện), tổng cộng tiền xăng là 8.550.000 đồng.
Như vậy, so với xe đạp điện, với cùng một quãng đường, cùng một khối lượng chuyên chở (75kg), cùng vận tốc trung bình thì chi phí cho xăng của xe gắn máy gấp 47,5 lần (475 đồng: 10 đồng).
Ráp không kịp thở! Thị trường xe đạp điện tại TP.HCM từ sau khi giá xăng tăng đã có những biến động. Các cửa hàng bán xe đạp điện cho biết lượng xe bán ra đã tăng khoảng 30%, cá biệt có cửa hàng tăng 50-60% so với thời điểm trước khi giá xăng tăng. Phòng kinh doanh Công ty TNHH Asama VN - lắp ráp xe điện hiệu Asama - cho biết do lượng linh kiện nhập khẩu về không kịp nên lượng xe công ty lắp ráp chỉ đạt 250-300 xe/ngày, không đủ nhu cầu của các đại lý. Còn Công ty Delta trung bình mỗi tháng cung cấp 500 xe điện (bao gồm xe máy điện, xe đạp điện) nay tăng 800 xe. Một số doanh nghiệp lắp ráp xe gắn máy VN bắt đầu tìm cách nhập khẩu linh kiện xe đạp điện, chỉnh sửa lại dây chuyền lắp ráp để chuẩn bị nhảy vào thị trường đầy tiềm năng này. L.N. |
Về mặt xã hội, với quãng đường 18.000km trong hai năm, với 1 triệu xe đạp điện thì tiền điện cho việc nạp ăcquy là 181,5 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí tiền xăng cho 1 triệu xe gắn máy chạy cùng quãng đường thì tốn đến 8.550 tỉ đồng. Tính ra, số tiền chênh lệch về chi phí nhiên liệu năng lượng cho hai loại phương tiện này lên đến 8.368,5 tỉ đồng. Có thể xem đây là số tiền xã hội có khả năng tiết kiệm được từ việc không dùng xăng, nếu có 1 triệu xe đạp điện thay thế hoàn toàn 1 triệu xe gắn máy.
Những bất tiện và lo ngại ô nhiễm môi trường
Tuy nhiên, theo thạc sĩ Bảo, một bình ăcquy chỉ có tuổi thọ khoảng hai năm. Mỗi xe đạp điện thường gắn 3-4 bình ăcquy, chi phí thay thế ăcquy khoảng 200.000-400.000 đồng/bình. Sau hai năm, người dùng xe đạp điện có thể phải tốn 800.000-1,6 triệu đồng để thay thế bốn bình ăcquy.
Nhưng điều quan trọng nhất, quãng đường tối đa mà xe đạp điện có thể đi liên tục sau mỗi lần sạc điện thông thường khoảng 30-40km. Và mỗi lần sạc điện phải tốn vài giờ mới nạp đủ điện. Từ điểm hạn chế này buộc người sử dụng phải hết sức cân nhắc nếu có ý định dùng xe đạp điện đi từ trung tâm TP.HCM về huyện Củ Chi chẳng hạn. Bởi vì khi đến nơi rất có thể sẽ không còn đủ năng lượng để quay về ngay sau đó mà phải đợi nạp điện mất vài giờ hoặc chấp nhận đạp như xe đạp thông thường.
Do vậy, giới chuyên môn cho rằng xe đạp điện chỉ phù hợp cho nhu cầu di chuyển trong lộ trình ngắn hơn chục kilômet, đồng thời phù hợp với lứa tuổi học sinh, người già, các bà nội trợ... Đó là chưa kể đến khả năng trữ điện của ăcquy giảm dần theo thời gian sử dụng.
Còn trong điều kiện ngập nước, ẩm ướt, thạc sĩ Bảo khuyến cáo tốt nhất khi xe đạp điện bị ngập nên tắt nguồn điện, dùng bàn đạp di chuyển hoặc đẩy bộ (loại xe điện không có bàn đạp). Nếu không thì có khả năng bị hư hỏng động cơ và không ai dám nói điều gì sẽ xảy ra đối với bộ bình ăcquy cũng như động cơ dùng điện.
Nói về độ an toàn, các nhà chuyên môn nhấn mạnh nếu xe đạp điện chạy với tốc độ cao thì hiệu quả của bộ phanh (thắng) là không cao. Thạc sĩ Bảo cho rằng xe đạp điện giới hạn tốc độ cao nhất khoảng 25km/giờ là phù hợp nhất (tiêu chuẩn VN về xe đạp điện cũng giới hạn tốc độ tối đa ở mức này) và đảm bảo an toàn.
Những trục trặc khi đi xe đạp điện Những người đi xe đạp điện chia sẻ trục trặc thường gặp liên quan đến bình ăcquy trong xe. Ông Xuân Tiến (Q.7) cho biết ông mua một xe đạp điện Trung Quốc chỉ bảo hành ba tháng. Vừa hết thời gian bảo hành thì xe liên tục mất điện, có lúc chạy được khoảng 1km là hết điện bình. Ông mang xe đến điểm bán xe bảo hành, mãi hai tuần sau mới nhận xe vì không có bình điện để thay và để có bình điện mới, ông phải trả thêm 500.000 đồng. Bà Hồng Phương (Q.Bình Tân) mua một xe đạp điện hiệu Asama. Trong một lần sơ ý khi rửa xe để nước tràn vào bình điện làm chập mạch và hư luôn bình. Bà phải mất 1,3 triệu đồng mua bình điện mới. Một nhân viên sửa chữa xe đạp điện hiệu Asama (đường Võ Thị Sáu, Q.3) cho biết mạch điều khiển sạc cũng là bộ phận hay hư và phải sửa chữa thay thế thường xuyên. "Mạch điện này thường nằm ở dưới yên sau xe, đi trong điều kiện đường sá ngập rất dễ bị ướt và chập mạch". LÊ NAM |
Nhưng lo ngại thường được nhắc đến nhiều nhất là khả năng gây ô nhiễm môi trường vì xe đạp điện sử dụng rất nhiều bình ăcquy chì. Nếu tính 1 triệu xe đạp điện thì sau hai năm sử dụng có thể thải ra môi trường khoảng 3-4 triệu ăcquy chì phế thải. Đây là con số không nhỏ và đáng lo ngại khi chúng bị phân tán trong môi trường hoặc bị vứt bỏ bất cứ nơi đâu.
Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Văn Khoa - giám đốc Quỹ tái chế TP.HCM - cho rằng nếu ăcquy phế thải được thu gom thì vấn đề ô nhiễm môi trường do nguồn phế thải này không còn phải lo lắng nhiều. Theo ông, thực tế hiện nay ăcquy chì phế thải hầu hết được thu gom. Ông Khoa cho rằng vấn đề cần giải quyết là làm sao các cơ quan quản lý kiểm soát được cơ sở thu mua phế liệu, tái chế ăcquy chì...
Kiểm soát chất lượng còn bỏ ngỏ
"Việc kiểm tra chất lượng xe đạp điện dựa trên cơ sở nào?", ông Nguyễn Thành Hiển - chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Bình Dương, địa phương có ít nhất hai cơ sở sản xuất và lắp ráp xe đạp điện - cho biết việc kiểm tra loại hàng hóa này dựa trên hồ sơ tự công bố chất lượng của nhà sản xuất.
Cơ quan này cũng đang hỏi ý kiến của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng về trường hợp các loại xe đạp điện có tốc độ tối đa lớn hơn 25km/giờ thì có gọi là xe đạp điện hay không và áp dụng các quy định quản lý nào? Điều này không chỉ Bình Dương mà một số địa phương khác cũng gặp lúng túng trong việc áp dụng các quy định cũng như triển khai các biện pháp kiểm soát chất lượng, độ an toàn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Phan Minh Tân, giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM, nói thị trường xe đạp điện đang "nóng" nên sở sẽ sớm họp bàn cùng các ngành liên quan để thống nhất trách nhiệm quản lý cũng như việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng trên thị trường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - ủy viên ban chấp hành Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM - nói trong khi các loại xe đạp điện (hay xe gắn động cơ điện) từ Trung Quốc và một số thị trường khác đổ ào ào vào VN, người tiêu dùng đổ xô đi mua nhưng chưa thấy các cơ quan quản lý ngành liên quan có một thông tin chính thức nào để hướng dẫn người tiêu dùng, đặc biệt là những thông tin khuyến cáo liên quan đến vấn đề an toàn cũng như chất lượng khi sử dụng loại sản phẩm này.
QUỐC THANH
Ms. Vân:
Mobile: 0981.699.288
Tel: 02033.883.696
Tel: 02033.77.99.89